Soạn văn 9 VNEN Bài 17: Những đứa trẻ
A. Hoạt động khởi động
1. Kể tóm tắt truyện Cô bé bán diêm (đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8).
– Chỉ ra trong câu chuyện những chi tiết của cuộc sống đời thường và những chi tiết mang màu sắc cổ tích.
– Dụng ý của tác giả khi xây dựng các chi tiết mang màu sắc cổ tích đó? Câu chuyện đã khơi gợi trong em những cảm xúc như thế nào?
Tóm tắt câu chuyện Cô bé bán diêm:
Truyện kể về một cô bé bán diêm trong đêm giao thừa. Cô bé bán diêm có hoàn cảnh rất nghèo khó. Mẹ mất, bà đã qua đời, sống chui rúc ở một xó tối tăm, em luôn phải lắng nghe những tiếng chửi rủa của bố. Vào đêm giao thừa, trời rét mướt, tuyết phủ trắng xóa, em một mình đi bán diêm giữa đường phố vắng. Em rét quá không thể tiếp tục đi được nữa nên đã ngồi vào một xó nhỏ giữa hai bức tường. Em quẹt diêm để sưởi ấm. Cô bé đã ngồi và quẹt các que diêm lên và trước mắt cô lần lượt hiện lên cái lò sưởi, bàn ăn với một con ngỗng quay, cây thông Nô-en. Em cầu khẩn bà hãy cho em được đi cùng bà. Cuối cùng, hai bà cháu bay vút lên cao về chầu thượng đế. Mỗi lần que diêm tắt, thực tế lại hiện ra trước mắt, lần lượt em nghĩ đến cha sẽ mắng vì không bán được diêm, phố xá vắng teo lạnh buốt tuyết rơi, gió bấc vi vu và những người khách qua đường vội vàng thờ ơ trước sự đáng thương của cô bé. Sáng hôm sau, cô bé đã chết trong đêm giao thừa.
Những chi tiết của cuộc sống đời thường và những chi tiết mang màu sắc cổ tích trong câu chuyện:
– Chi tiết của cuộc sống đời thường:
+ Gia cảnh của cô bé bán diêm: Gia đình mới sa sút (bà chết, gia sản tiêu tán…). Cô bé ở với cha trên gác sát mái nhà, gió lùa rét buốt và những lời mắng nhiếc, chửi rủa của cha.
+ Khung cảnh đêm giao thừa: đêm giao thừa mọi người ở trong nhà quây quần đoàn tụ.
+ Không gian: ở trong mọi nhà đều rực sáng ánh đèn và sực nức mùi ngỗng quay, ngoài đường trời rét mướt cô bé bán diêm đầu trần chân đất, bụng đói dò dẫm trong bóng tối, đôi tay cứng đờ.
+ Tình cảnh: em không thể về nhà vì chưa bán được bao diêm nào và chưa có ai bố thí cho em xu nào đem về nên nhất định cha em sẽ đánh em. Em ngồi co ro trong góc tường tối tăm, gió rét căm căm.
– Những chi tiết mang màu sắc cổ tích của câu chuyện nằm ở những mộng tưởng mà cô bé thấy qua những lần quẹt diêm:
+ Lần quẹt diêm đầu tiên: trước mắt em hiện lên chiếc lò sưởi đang” tỏa ra hơi nóng dịu dàng” để sưởi ấm cơ thể trong giá lạnh căm căm của mùa đông, tuyết trắng đang bao trùm.
+ Lần thứ 2: Em có một bàn ăn thịnh soạn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay.
+ Lần thứ 3: Em thấy có một cây thông trang trí thật lộng lẫy, hàng ngàn ngọn nến sáng rực lấp lánh, rất nhiều bức tranh màu sặc sỡ .
+ Lần thứ 4 và 5: em đã thấy bà đang mỉm cười, bà em to lớn và đẹp lão. Bà cụ cầm lấy tay em, hai bà cháu bay vụt lên cao.
Xây dựng những chi tiết mang màu sắc cổ tích ấy, tác giả thể hiện sự trân trọng, cảm thông và ngợi ca những giấc mơ bình dị và cả kì diệu của trẻ thơ. Đó là ước mơ được ăn ngon, được vui chơi, được sống trong tình thương gia đình. Qua đó, nhà văn nhắc nhở mọi người hãy san sẻ tình yêu thương đối với những đứa trẻ bất hạnh.
Câu chuyện đã khơi gợi trong ta sự thương cảm và tình thương sâu sắc đối với những đứa trẻ có cảnh ngộ bất hạnh trong cuộc sống.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Đọc văn bản Những đứa trẻ 2. Tìm hiểu văn bản
a) Văn bản có thể chia làm mấy phần? Đặt tiêu đề cho mỗi phần. Những chi tiết nào tạo nên sự liên kết chặt chẽ về mặt nội dung giữa các phần?
Văn bản có thể chia thành 3 phần
– Phần 1 (từ đầu…đến tay kia quàng lên vai em nó, ấn em nó cúi xuống): Tình bạn trong sáng
– Phần 2 (tiếp…đến Cấm không được đến nhà tao!): Tình bạn bị cấm đoán
– Phần 3 (Còn lại): Tình bạn vẫn tiếp tục.
Các chi tiết những con chim, câu chuyện cổ tích, người dì ghẻ, người bà hiền hậu được xuất hiện ở phần đầu và nhắc lại ở cuối đoạn trích đã tạo nên sự kết nối chặt chẽ về mặt nội dung giữa các phần.
b) Hoàn cảnh, mối quan hệ giữa chú bé A-li-ô-sa và ba đứa con đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp có gì đồng cảm? Lí giải vì sao tình bạn tuổi thơ trong trắng ấy để lại ấn tượng sâu sắc cho nhà văn, khiến hơn ba mươi năm sau ông vẫn còn nhớ như in và thuật lại hết sức xúc động.
Sự đồng cảm Hư trong hoàn cảnh, mối quan hệ giữa chú bé A-li-ô-sa và ba đứa con đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp:
– Hoàn cảnh gia đình:
+ Chú bé A-li-ô-sa: con nhà nghèo, mồ côi cha từ lúc ba tuổi, mẹ đi lấy chồng khác còn em ở cùng với ông bà ngoại. Tuy không được kể lại nhiều trong đoạn trích song người đọc vẫn có thể hiểu cuộc sống của chú bế A-li-ô-sa cũng không sung sướng gì, vì ông bà của chú vốn dĩ không hề giàu có. Họ chỉ là những người nông dân bình thường, làm việc chăm chỉ nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi.
+ Ba đứa con đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp: là con nhà giàu, bố chúng đã từng làm đại tá, dù đã về hưu song cuộc sống của chúng vẫn rất sung túc và đủ đầy. Trước đó, tác giả đã miêu tả những đứa trẻ ấy bằng những dòng văn giàu sức gợi “Ba đứa cùng mặc áo cánh và quần dài màu xám, cùng đội mũ như nhau. Chúng có khuôn mặt tròn, mắt xám và giống nhau đến nỗi tôi chỉ phân biệt được chúng theo tầm vóc”.
– Mối quan hệ giữa hai gia đình: Mặc dù là hàng xóm nhưng hai gia đình có địa vị xã hội khác nhau nên cũng không thể thân thiết
Nhà văn ấn tượng sâu sắc với tình bạn tuổi thơ trong trắng ấy để rồi hơn ba mươi năm sau ông vẫn còn nhớ như in và thuật lại hết sức xúc động vì:
+ Tuy gia cảnh khác nhau, địa vị xã hội khác nhau là trời vực trở thành bức tường ngăn cách những đứa trẻ ấy lại nhưng giữa chúng có điểm tương đồng rất lớn đó là sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Cả bốn đứa trẻ đều không nhận được sự chăm sóc, yêu thương và quan tâm từ cha mẹ chúng. A-li-ô-sa thì ở với ông bà ngoại, dù ông bà ngoại có yêu thương cậu bé nhưng với những đứa trẻ, tình thương của ông bà dù nhiều cũng không thể nào bằng bố mẹ của chúng được. Còn ba anh em con đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp dù có cha, có mẹ nhưng chúng lại phải sống trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ của họ. Chính những đứa trẻ ấy đã nhận xét cuộc sống của chúng là những ngày tháng nhàm chán và buồn tẻ.
+ Cả bốn đứa trẻ đều còn rất nhỏ, tuổi cũng ngang ngang nhau, đang ở trong độ tuổi nghịch ngợm và ưa khám phá. A-li-ô-sa trong một lần tình cờ đã cứu sống được đứa em nhỏ nghịch nhảy xuống giếng. Chính những kí ức và kỉ niệm này đã khiến cho bốn đứa trẻ thiếu thốn tình thương ấy xích lại gần nhau, thân nhau, tin tưởng và chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống, mặc cho bức tường ngăn cách giữa chúng có cao lớn và mạnh mẽ thế nào.
– Khi nhắc đến mẹ thật và mẹ khác trong câu chuyện của những đứa trẻ, nhân vật tối đã nghĩ ngay tới dì ghẻ – mẹ khác trong những câu chuyện cổ tích. Những gì mà mụ dì ghẻ hay làm trong chuyện cổ tích có lẽ ít nhiều những đứa trẻ kia đang phải gánh chịu, chính vì thế mà chúng mới im lặng, nghĩ ngợi còn gương mặt thì sầm lại.
– Hình ảnh người bà cũng xuất hiện trong câu chuyện đời thường và gắn liền với những câu chuyện cổ tích. Chú bé A-li-ô-sa ở cùng với ông bà ngoại, được nghe những câu chuyện cổ tích từ bà và mỗi khi kể chuyện cổ tích cho ba người bạn nghe, nếu quên chỗ nào thì chú sẽ chạy về nhà hỏi bà rồi lại tiếp tục kể. Hình ảnh của bà còn xuất hiện rất nhiều trong câu chuyện mà nhân vật tôi – chú bé A-li-ô-sa kể cho ba đứa trẻ nghe. Và thằng anh cả cũng trầm mặc nghĩ tới người bà trước đây của mình.
C. Hoạt động luyện tập
1. Luyện tập đọc hiểu đoạn trích Thời thơ ấu
Câu 1: Thời thơ ấu của M. Go-rơ-ki được viết theo thể loại nào?
A. Truyện ngắn trữ tình
C. Tiểu thuyết tự thuật
B. Tiểu thuyết lịch sử
D. Hồi kí
Câu 2. Vì sao nói, Thời thơ ấu được viết theo thể loại đó?
A. Vì các sự việc, chi tiết trong tác phẩm do nhà văn hư cấu, tưởng tượng nên
B. Vì tác phẩm dùng ngôi thứ nhất (tôi) kể lại những chuyện đời mình.
C. Vì tác phẩm kể lại những chuyện có thật, xảy ra trong lịch sử dân tộc Nga.
D. Vì tác phẩm ghi chép lại các sự việc xảy ra trong chuyến đi thực tế của nhà văn.
Câu 3. Nội dung của đoạn trích Những đứa trẻ là gì?
A. Kể lại những lần nhân vật “tôi” kể chuyện cổ tích cho bọn trẻ con hàng xóm nghe.
B. Kể lại sự việc nhân vật “tôi” cứu một đứa trẻ hàng xóm khi nó bị rơi xuống giếng.
C. Kể về tình bạn thân thiết nảy sinh giữa nhân vật “tôi” và bọn trẻ con hàng xóm sống thiếu tình thương, bất chấp sự ngăn cản của bố chúng.
D. Kể về cuộc đời của những đứa trẻ nghèo khổ sống cùng làng với nhân vật “tôi”.
Câu 4. Câu văn “Chúng tôi ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con” sử dụng phép tu từ gì?
A. Hoán dụ B. Nói quá C. So sánh D. Nhân hóa
Câu 5. Nhận định nào nói đúng nhất tác dụng của biện pháp tu từ ở câu 4?
A. Nói lên sự sợ hãi của những đứa trẻ
B. Nói lên sự ngây thơ non nớt của những đứa trẻ
C. Nói lên lòng thương cảm của nhân vật “tôi” với nỗi bất hạnh của các bạn
D. Nói lên hoàn cảnh sống giống nhau của những đứa trẻ.
Câu 6. Khi nhìn “mấy đứa trẻ lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà”, nhân vật “tôi” lại nghĩ đến những con vật nào?
A. Những chú gà con
C. Những chú ngỗng ngoan ngoãn
B. Những chú thỏ con
D. Những con dế
Câu 7. Nhận định nào nói đúng nhất tác dụng của sự liên tưởng ấy?
A. Thể hiện được dáng dấp của những đứa trẻ
B. Thể hiện được thế giới nội tâm của những đứa trẻ
C. Thể hiện được sự cảm thông của nhân vật “tôi” với những đứa trẻ
D. Thể hiện được sự hài hước trong liên tưởng của những đứa trẻ
Câu 8. Trong con mắt của nhân vật “tôi”. Đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp hiện lên là một người như thế nào?
A. Nghiêm khắc với các con
B. Tàn nhẫn và thiếu tình thương
C. Hiểu rõ tâm lí trẻ con
D. Nhân hậu, hiền từ
Câu 9. Vì sao nhà văn không đặt tên cho những đứa trẻ?
A. Vì bản thân chúng không có tên
B. Vì nhân vật “tôi” đã quên mất tên của những đứa trẻ
C. Vì những đứa trẻ phải giấu tên của chúng
D. Để làm cho câu chuyện về những đứa trẻ trở nên khái quát và đậm đà chất cổ tích nhiều hơn.
Câu 10. Nhận định nào không phù hợp với nghệ thuật kể chuyện của tác giả trong đoạn trích Những đứa trẻ?
A. Kết hợp giữa tự sự và lập luận
B. Sử dụng nhiều độc thoại nội tâm
C. Đan xen câu chuyện đời thường với truyện cổ tích
D. Xây dựng tình huống độc đáo, bất ngờ
Câu 1: D
Câu 2: B
Câu 3: C
Câu 4: B
Câu 5: B
Câu 6: C
Câu 7: A
Câu 8: B
Câu 9: D
Câu 10: D