Sơ đồ tư duy rất phổ biến tuy nhiên không phải ai cũng biết cách dùng và tạo sơ đồ tư duy một cách hiệu quả. Bài viết này sẽ giúp các bạn tạo sơ đồ tư duy nhanh nhất.
Trong quá trình học tập, người học phải tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ ngoài thế giới. Hơn nữa, chúng ta cũng thường xuyên phải ghi nhớ cũng như tổng hợp lại những gì mình đã được học. Nhưng, không phải ai cũng có thể tìm được cho mình một phương pháp thông minh giúp ghi nhớ dễ dàng cũng như không bị bỏ sót bất kỳ một nội dung quan trọng nào.
Đầu tiên cùng đi giải mã khái niệm sơ đồ tư duy là gì?
Sơ đồ tư duy (tiếng Anh là Mindmap) là một phương pháp mà trong đó chúng ta dùng hình ảnh để trình bày ra ý tưởng của mình. Giúp cho bộ não phát huy được tối đa khả năng tư duy, ghi nhớ cũng như ghi nhận hình ảnh. Phương pháp này được ứng dụng để giúp cho con người ghi nhớ một cách chi tiết, để tổng hợp nhiều kiến thức hay được dùng để phân tích một vấn đề theo dạng phân nhánh.
Sơ đồ tư duy giúp cho người tư duy tìm ra một phương pháp hữu hiệu nhất để có thể ghi nhớ, tổng hợp, liên lạc các kiến thức lại với nhau. Khả năng đặc biệt của nó là không chỉ giúp bộ não con người ghi nhớ đơn thuần theo kiểu tuyến tính ( nghĩa là ghi nhớ theo trình tự) mà điều đặc biệt đó là giúp bộ não phát huy tối đa khả năng liên hệ các dữ kiện lại với nhau. Có thể thấy, phương pháp này khai thác cả hai khả năng ghi nhớ của bộ não con người.
Theo nghiên cứu, hiện nay trên thế giới có khoảng 250 triệu người đã và đang sử dụng sơ đồ tư duy và đạt được những hiệu quả vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Sơ đồ tư duy được sử dụng trong trường hợp nào?
Theo khái niệm mà chúng tôi giải thích ở trên, sơ đồ tư duy được ứng dụng như là công cụ hiệu quả giúp cải thiện chất lượng học tập. Cụ thể, trong các trường hợp sau đây:
– Là công cụ ghi chép nhanh chóng và hữu ích: Chắc chắn trong quá trình học tập không ít lần chúng ta gặp phải tình trạng quá tải khi lượng kiến thức cần ghi chép quá lớn. Chính vì thế, sơ đồ tư duy chính là phương tiện hữu hiệu giúp bạn không bị bỏ sót bất kỳ nội dung quan trọng nào mà vẫn đem lại sự thoải mái và hứng khởi. Bằng cách ghi nhớ thông tin qua việc ghi chú lại những từ khóa quan trọng ( có thể minh họa bằng việc dùng hình ảnh thú vị) và liên kết chúng lại với nhau để tạo ra bức tranh toàn diện giúp người học ghi nhớ nhanh chóng cũng như không bỏ sót kiến thức.
– Khi cần tổng hợp lại kiến thức: Sau mỗi bài, chương việc tổng hợp lại kiến thức là bước quan trọng không thể thiếu để giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện nhất về bài học cũng như giúp tìm ra mối liên hệ giữa các kiến thức. Từ đó giúp hiểu sâu và ghi nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, những phương pháp như kẻ bảng hay tổng hợp bằng cách ghi chép thường mang tới cho người học sự nhàm chán và hiệu quả không cao. Vì thế, lựa chọn sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức là giải pháp vô cùng hữu hiệu.
– Ôn tập trong quá trình thi cử: Với nhiều học sinh, sinh viên thi cử là nỗi lo sợ và ám ảnh vô cùng lớn khi phải tiếp thu cùng một lúc, trong một khoảng thời gian ngắn một lượng kiến thức khổng lồ. Chúng ta không thể dung nạp kiến thức của toàn bộ quyển sách hay một cuốn vở dày chỉ trong vài ngày thậm chí vài giờ. Chính vì vậy, lựa chọn và chắt lọc ra những ý chính và cơ bản nhất sau đó đưa vào sơ đồ tư duy sẽ giúp cho người học nhanh chóng nắm được những kiến thức quan trọng, cơ bản nhất.
– Phân tích một vấn đề phức tạp: Có thể thấy, việc chia nhỏ một vấn đề khó theo dạng phân nhánh giúp chúng ta hiểu và nhận ra vấn đề một cách đơn giản hơn. Việc làm này không chỉ giúp hiểu vấn đề sâu sắc mà còn giúp người tạo lập nhận ra được những đặc điểm nổi bật cũng như bản chất của vấn đề.
Các bước để tạo nên một sơ đồ tư duy?
Bước 1: Tìm cho sơ đồ tư duy một từ khóa chính.
Sau khi xác định cho mình được một từ khóa, việc cần làm là đưa từ khóa ấy vào trang giấy làm cơ sở đầu tiên cho sơ đồ tư duy của mình. Thông thường từ khóa chính sẽ được đặt ở vị trí trung tâm. Việc đặt từ khóa chính vào trung tâm cũng giúp cho não bộ được kích thích khả năng sáng tạo, sự tự do để thỏa sức thể hiện các ý tưởng một cách phóng khoáng, tự nhiên.
Bước 2: Xác định các tiêu đề phụ.
Sau khi đã có được từ khóa chính, bạn cần đào sâu khai thác các nội dung chính. Tự xác định cho mình khoảng 3 đến 4 từ khóa phụ ( hoặc có thể nhiều hay ít hơn phụ thuộc vào từ khóa chính và nội dung mà bạn muốn triển khai).
Ở bước này, tiêu đề phụ nên được làm nổi bật bằng cách viết chữ cách điệu hoặc in hoa. Bạn cũng có thể thêm màu sắc hoặc làm đậm các nhánh chứa từ khóa phụ để dễ dàng thu hút sự chú ý và tìm kiếm thông tin.
Bước 3: Tiếp tục triển khai các nhánh nhỏ hơn.
Sau khi đã có tiêu đề chính cũng như các tiêu đề phụ chắc chắn rằng các bạn cũng đã ít nhiều tưởng tượng ra được hướng đi cũng như cách triển khai các nội dung cần thiết. Việc tạo lập được các từ khóa ở trên chính là quá trình tạo nên khung xương chính cho bức tranh sơ đồ tư duy của bạn. Việc triển khai các nhánh nhỏ hơn ở giai đoạn này chính là giai đoạn quan trọng để bạn đưa những kiến thức bổ ích, cần thiết nhất vào trong sơ đồ tư duy của mình.
Đầu tiên là bắt đầu với từng từ khóa phụ và khai thác từng từ khóa rõ ràng, rành mạch. Không nên cùng một lúc khai thác nhiều từ khóa sẽ làm cho bạn phân tâm và dẫn tới việc không triển khai được chi tiết và toàn bộ nội dung. Bạn cần có một thời gian để đọc kỹ nội dung và hiểu rõ về chúng. Sau đó thêm những ý quan trọng vào sơ đồ. Khi đã hiểu được nội dung một cách sâu sắc, bạn cũng nên sử dụng cách viết tắt, viết ngắn gọn hoặc minh họa bằng hình ảnh để tiết kiệm thời gian, không gian cũng như sơ đồ tư duy được trình bày sáng tạo và thú vị hơn.
Bước 4: Hoàn thiện sơ đồ tư duy bằng cách thêm các hình vẽ minh họa thú vị.
Sau khi đã hoàn thiện về phần nội dung, để cho sơ đồ tư duy phát huy tối đa tác dụng chúng ta nên thêm vào một vài hình vẽ và trang trí. Việc làm này không chỉ giúp cho sơ đồ tư duy của bạn trở nên bắt mắt, thú vị, thu hút sự chú ý mà còn giúp tăng khả năng ghi nhớ của bộ não.
Bí quyết tạo lập sơ đồ tư duy hiệu quả nhất?
Bằng những bước mà chúng tôi đã đề cập ở phía trên, bạn đã có thể tự tạo cho mình một sơ đồ tư duy. Nhưng, chỉ vậy thôi chưa đủ. Để nó có thể trở thành công cụ tối ưu nhất giúp cải thiện chất lượng học tập đòi hỏi người tạo lập cần phải bỏ ra sức lực cũng như tâm huyết để làm ra nó. Nghe có vẻ rất phức tạp, thế nhưng, bằng những bí quyết mà chúng tôi chia sẻ ngay sau đây chắc chắn sẽ giúp các bạn có được cho mình một sơ đồ tư duy hiệu quả nhưng cũng không quá khó khăn.
1.Dùng bức tranh hoặc hình ảnh cho từ khóa ở vị trí trung tâm.
2. Sử dụng nhiều màu sắc hơn.
Khoa học đã chứng minh rằng màu sắc có khả năng kích thích não bộ tương đương với hình ảnh. Chính vì thế việc thêm màu sắc vào sơ đồ tư duy của mình là việc làm vô cùng thông minh và cần thiết. Nó cũng giúp bạn dễ dàng phân biệt giữa các nội dung khác nhau trong sơ đồ của mình.
Một lưu ý nho nhỏ nữa chính là lựa chọn màu sắc tươi sáng cũng làm cho trạng thái của bạn trở nên tốt hơn. Từ đó tăng năng suất học tập. Bạn cũng có thể thêm những màu sắc mà bản thân yêu thích để tăng cường sự hứng thú và khả năng ghi nhớ.
3. Vẽ các đường cong thay vì đường thằng.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì ai trong số chúng ta cũng nhận thức được rằng đường thẳng luôn đem lại sự nhàm chán. Các nhánh đường cong không chỉ khiến chúng ta thỏa mãn thị giác mà còn đem lại sự thu hút và lôi cuốn mỗi khi nhìn vào. Vẽ các nhánh đường cong cũng giúp cho sơ đồ của bạn trở nên mềm mại và uyển chuyển, đem lại cảm giác yêu thích và thoải mái của người xem khi nhìn vào. Não cũng ghi nhớ tốt hơn khi bạn sử dụng các nhánh đường cong để triển khai các nội dung.
4.Triển khai ý liên tục.
Thay vì suy nghĩ quá lâu và sợ rằng nội dung mà mình đưa vào sơ đồ không chính xác thì chúng ta hãy cứ tự nhiên viết ra những điều mình nghĩ. Nếu dừng lại quá lâu sẽ khiến cho những ý tưởng của bản thân bị ngăn lại. Để cẩn thận hơn, hãy dùng một tờ giấy nháp và thể hiện toàn bộ suy nghĩ và ý tưởng của bản thân lên trên đó. Tiếp theo, chắt lọc và đưa vào sơ đồ những ý tưởng hay cùng nội dung quan trọng. Nếu làm như vậy bạn sẽ không còn lo lắng sơ đồ tư duy của mình mất đi sự liên kết và vẫn đảm bảo nội dung hoàn toàn chính xác.
5. Lọc từ khóa thông minh.
Chắc chắn không phải ai cũng có thể chắt lọc được nội dung chính, ngắn gọn nhất từ những đoạn văn bản dài. Nếu các môn tư nhiên bao gồm nhiều công thức ngắn gọn, ký hiệu dễ nhớ, dễ minh họa. Vậy thì đối với những môn xã hội dài ngoằng thì phải làm sao để đưa nội dung vào sơ đồ tư duy mà vẫn giúp người học hiểu hết ý nghĩa và không bỏ sót kiến thức?
6. Hãy vẽ nhiều lần.
Tất nhiên không phải ai mới bắt đầu đã có thể tạo nên một sơ đồ tư duy đẹp, logic, dễ hiểu đúng không nào? Ông bà ta đã có câu “ chăm hay không bằng tay quen” nghĩa là dù bạn có hiểu biết đến mấy nhưng không chịu khó vận dụng trong thực tế thì cũng không bằng việc bạn chăm chỉ làm nó nhiều lần. Bởi vậy, nếu còn bỡ ngỡ trong những lần đầu, hãy cứ mạnh dạn vẽ, viết ra chúng. Tất nhiên, sau mỗi lần vẽ, bạn cũng nên tự rút ra cho mình những ưu nhược điểm của bản thân. Khai thác tối đa ưu điểm ấy. Chẳng hạn như bạn có năng khiếu vẽ đẹp, hãy thêm nhiều hình vẽ thú vị vào trong sơ đồ của mình. Hay bạn có khả năng phối màu tốt, hãy cho thêm nhiều màu sắc vào sơ đồ để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo. Đồng thời, cũng nhìn nhận lại những khuyết điểm sau mỗi lần vẽ. Ví dụ như vẽ lệch, nội dung đưa vào quá dài dòng,….
Bằng những mẹo nhỏ như vậy, tôi chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng có thể tạo nên một sơ đồ tư duy hoàn hảo, đáp ứng được như cầu sử dụng của bản thân.
Quả thật, sơ đồ tư duy có vai trò và hiệu quả vô cùng lớn trong việc cải thiện chất lượng học tập. Thông qua việc tìm hiểu về sơ đồ tư duy, chúng ta cũng hiểu rõ về phương pháp này cũng như cách ứng dụng nó trong việc phục vụ học tập. Mong rằng thông qua những chia sẻ phía trên của chúng tôi sẽ giúp các bạn trẻ giải đáp được phần nào thắc mắc về sơ đồ tư duy cũng như cách tạo nên một sơ đồ tư duy đem lại hiệu quả tốt nhất. Cám ơn các bạn đã theo dõi toàn bộ bài viết này của chúng tôi và chúc tất cả các bạn đạt được thành công trên con đường học tập của mình.