1.1 Định nghĩa
Muốn biết cách xem bản đồ địa hình như thế nào trước hết ta cần tìm hiểu về khái niệm bản đồ. Bản đồ là hình ảnh thu nhỏ của bề mặt Trái Đất lên mặt phẳng thông qua một quy tắc toán học nhất định (hay là phép chiếu bản đồ). Nội dung trình bày trên bản đồ được lựa chọn thông qua sự tổng quát hóa và được thể hiện trên bản đồ bởi hệ thống các kí hiệu quy ước mang tính khoa học. Đó chính là định nghĩa chung về bản đồ.
Mỗi bản đồ đều được xây dựng trên một cơ sở toán học xác định như tỉ lệ và phép chiếu bản đồ, bố cục bản đồ, các điểm khống chế tọa độ trắc địa… Các đối tượng và hiện tượng (Nội dung bản đồ) được biểu thị theo một phương pháp lựa chọn và khái quát nhất định Các đối tượng và hiện tượng được biểu thị bằng ngôn ngữ bản đồ – đó là hệ thống các ký hiệu quy ước.
1.2 Phân loại
Hệ thống các loại bản đồ bao gồm: – Bản đồ giải thửa – Sơ đồ tổng thể – Bản đồ nền địa hình cấp tỉnh, huyện, xã – Bản đồ địa chính cơ sở – Bản đồ địa chính (gồm cả bản đồ lập riêng cho đất lâm nghiệp hoặc đất khu dân cư nông thôn) – Bản đồ hành chính các cấp – Tập bản đồ ATLATS (dạng giấy và dạng số) – Các loại bản đồ chuyên đề
2. Tổng quan về bản đồ địa chính
2.1 Khái niệm
Bản đồ địa chính (Cadastral Map) là bản đồ trên đó thể hiện các dạng đồ họa và ghi chú, phản ảnh những thông tin về vị trí, ý nghĩa, trạng thái pháp lý của các thửa đất, phản ánh các đặc điểm khác thuộc địa chính quốc gia.
2.2 Mục đích của bản đồ địa chính
– Thống kê đất đai
– Giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tiến hành đăng ký đất đai cấp quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
– Đăng ký quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở
– Xác nhận hiện trạng và theo dõi quyền sử dụng đất
– Lập hồ sơ thu hồi đất khi cần thiết
– Giải quyết tranh chấp đất đai
– Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cải tạo đất, thiết kế xây dựng các điểm dân cư, quy hoạch giao thông, thủy lợi.
2.3 Các yếu tố cấu thành nên bản đồ địa chính
Muốn biết cách xem bản đồ địa chính thì trước hết các bạn cần nắm rõ các yếu tố cấu thành nên bản đồ địa chính như sau:
– Yếu tố cơ sở toán học: bao gồm khung bản đồ, lưới bản đồ, các điểm khống chế, tỷ lệ bản đồ, sơ đồ phân mảnh.
– Yếu tố thủy văn: biểu thị ranh giới, tên gọi, mối quan hệ tương hỗ của các yếu tố như sông ngòi, ao, hồ, kênh mương…
– Yếu tố dáng đất: là tập hợp những chỗ lồi lõm trên bề mặt Trái đất. Địa hình được biểu thị lên bản đồ địa chính bằng các điểm độ cao (đối với khu vực đồng bằng), bằng các điểm độ cao kết hợp đường bình độ (khu vực miền núi). Phải thể hiện được dáng đất chung của địa hình toàn khu vực và các nét đặc trưng của nó bằng việc lựa chọn khoảng cao đều đường bình độ. Địa hình phải được thể hiện phù hợp với các yếu tố khác như thủy hệ, giao thông…
– Yếu tố kinh tế – văn hóa – xã hội: thể hiện những địa vật kinh tế, văn hóa, xã hội mang tính chất định hướng trong khu vực thành lập bản đồ như đình, chùa, trạm biến thế, ngã ba, ngã tư… Ngoài ra tất cả các điểm địa vật có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng phải được thể hiện đầy đủ như các bệnh viên, trường học… Tuy nhiên, số lượng các địa vật phụ thuộc vào tỷ lệ bản đồ và quy phạm quy định của bản đồ tỷ lệ tương ứng.
– Ranh giới, địa giới hành chính: biểu thị chính xác, đầy đủ ranh giới quốc gia, ranh giới tỉnh/thành phố, ranh giới quận/huyện, phường/xã. Các mốc địa giới hành chính được xác định tọa độ và được thể hiện lên trên bản đồ. Đối với các đơn vị hành chính giáp biển, các đảo nếu trong hồ sơ địa giới hành chính không khép kín ranh giới hành chính thì trên bản đồ hành chính thể hiện đến ranh giới sử dụng đất tiếp giáp với phần biển.
– Ranh giới thửa đất: là yếu tố chính và rất quan trọng của nội dung bản đồ địa chính, được hiển thị bằng đường viền khép kín, nét liền theo hệ thống kí hiệu của bản đồ.
– Sô hiệu thửa và diện tích đất: Số hiệu thửa được ghi cho mỗi thửa là duy nhất không trùng lặp trong phạm vi một tờ bản đồ địa chính và tương ứng với một chủ hoặc một đồng chủ sử dụng đã được xác minh về mặt pháp lý. Diện tích đất được xác định chính xác đến 0.1 m2.
– Loại đất: được chia làm 3 nhóm chính đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Trên bản đồ, loại đất được thể hiện bằng kí hiệu chữ theo quy phạm.
– Các yếu tố tự nhiên, nhân tạo có trên thửa đất: ở khu vực đô thị và các khu vực của tổ chức nhà nước giao đất, cho thuê đất chỉ thể hiện các công trình chính không thể hiện các công trình tạm thời, ở khu vực nông thôn không thể hiện các công trình xây dựng.
3. Cách xem bản đồ nhà đất
Để biết cách xem bản đồ nhà đất, chúng ta cần xác định các yếu tố sau: tỷ lệ bản đồ, đọc các ký hiệu được thể hiện trên bản đồ, xác định tọa độ địa lý.
3.1 Cách xác định tỷ lệ trên bản đồ
– Tỷ lệ bản đồ là tỷ số độ dài giữa độ dài một đoạn thẳng trên bản đồ với độ dài của chính đoạn thẳng đó ngoài thực địa. – Các bước xác định
Xác định chiều dài một đoạn thẳng trên bản đồ: Khi có thước tỷ lệ thẳng, nếu biết khoảng cách giữa 2 điểm trên bản đồ thì tìm được khoảng cách tương ứng nằm ngang ở ngoài thực địa ngay ở trên thước tỷ lệ thẳng đó.
Xác định diện tích một thửa đất trên bản đồ: Tính diện tích thửa trên bản đồ thường áp dụng khi đo vẽ thành lập bản đồ địa chính, khi tính diện tích thửa có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để tính, tuỳ thuộc vào yêu cầu độ chính xác và điều kiện kỹ thuật có. Khi tính diện tích thửa trên bản đồ địa chính giấy thường áp dụng 3 phương pháp sau: + Phương pháp phân chia thửa đất ra các hình tam giác.
+ Phương pháp đếm ô. + Phương pháp toạ độ.
3.2 Giải thích ký hiệu trên bản đồ địa chính
Tương tự cách đọc bản đồ quy hoạch thì đối với bản đồ địa chính cũng cần giải thích rõ các ký hiệu được thể hiện rõ trên bản đồ như sau:
– Nhà:
Ranh giới nhà vẽ bằng các nét gạch đứt, ghi chú loại nhà, số tầng. Khi tường nhà nằm trùng với ranh giới thửa đất thì vẽ nét liền của ranh giới thửa đất. Đối với vị trí tường tiếp giáp mặt đất thì đường nét đứt thể hiện bằng các đoạn thẳng ngắn; đối với hình chiếu thẳng đứng của các kết cấu vượt ra ngoài phạm vi tường nhà tiếp giáp mặt đất, hình chiếu của các kết cấu nhà nằm trên cột thì đường nét đứt được thể hiện bằng các điểm chấm
– Ranh giới thửa đất
Ranh giới thửa đất được vẽ khép kín bằng những nét liền liên tục. Trong trường hợp ranh giới thửa trùng với các đối tượng dạng đường của sông, suối, đường giao thông thì không vẽ ranh giới thửa mà coi các đối tượng đó là ranh giới thửa đất và phải giải thích ký hiệu sông, suối, đường giao thông.
– Đường bộ: Giới hạn sử dụng của đường vẽ theo tỷ lệ như quy định vẽ thửa đất. Phần lòng đường (mặt đường, vỉa hè hoặc phần có trải mặt) khi vẽ được theo tỷ lệ thì vẽ bằng ký hiệu nét đứt. Khi độ rộng giới hạn sử dụng của đường nhỏ hơn 1,5mm trên bản đồ thì được phép không vẽ phần lòng đường.
– Cầu: thể hiện (không phân biệt vật liệu xây dựng hay cấu trúc) bằng ký hiệu nửa theo tỷ lệ hoặc không tùy theo tỷ lệ bản đồ và phải ghi chú tên riêng.
– Bến cảng, cầu tầu, bến phà, bến đò: Đối tượng nằm hoàn toàn trong thửa mà không ảnh hưởng tới nội dung khác của thửa đất, khi đó vẽ đầy đủ cả hình dạng mặt bằng và thể hiện ký hiệu quy ước.
– Đê: Được thể hiện bằng ký hiệu 2 nét vẽ theo tỷ lệ hoặc nửa theo tỷ lệ kèm theo ghi chú “đê” để phân biệt với các loại đường giao thông khác. Khi đê là đường ô tô phải ghi chú như đường ô tô.
– Điểm độ cao, đường bình độ: Các trường hợp dáng đất được đo vẽ hoặc chuyển vẽ chính xác thì dùng các ký hiệu đường bình độ chính xác để thể hiện. Trường hợp đo vẽ không chính xác hay chuyển vẽ dáng đất từ bản đồ địa hình hoặc các tài liệu khác lên bản đồ địa chính mà độ chính xác không cao thì dùng đường bình độ vẽ nháp để thể hiện.
3.3 Xác định vị trí
Theo như bandovietnamtreotuong tìm hiểu thì cách đây hơn 4000 năm, chiếc bản đồ đầu tiên được vẽ lên một tấm đất sét tại Ai Cập. Vào thời đó người ta chỉ sử dụng bản đồ chủ yếu để phân chia đất đai, của cải. Các vị vua thì dùng bản đồ để phân chia ranh giới và lãnh thổ của họ. Ngày nay, bản đồ được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau chẳng hạn như: quân sự, giáo dục, địa chất,… Dù ứng dụng như thế nào thì mục đích của bản đồ vẫn chủ yếu là xác định phương hướng và tọa độ vị trí. Vậy làm thế nào để xem bản đồ xác định vị trí? Câu trả lời đó chính là dựa vào kinh độ và vĩ độ.
Kinh độ: Kinh độ của một điểm là khoảng cách tính bằng số đo từ kinh tuyến đi qua điểm đó đến kinh tuyến gốc
– Vĩ độ: Vĩ độ địa lý của một điểm là góc hợp bởi đường dây dọi đi qua điểm đó và mặt phẳng xích đạo.
– Tọa độ địa lí của 1 điểm là kinh độ và vĩ độ của điểm đó.